(Dân trí) – Bộ Xây dựng đề xuất cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở.
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm tháo gỡ một số điểm nghẽn trong lúc chờ sửa Luật Nhà ở 2014. Hiện, Luật Nhà ở 2014 đang được sửa đổi, nếu được thông qua, dự kiến đến giữa năm 2024 sẽ có hiệu lực.
Đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội
Dự thảo Nghị quyết nhằm đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gắn với việc thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh hơn.
Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tính đến năm 2020 có khoảng 2,7 triệu công nhân khu công nghiệp, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.
Theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 sẽ phấn đấu đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động, tương đương 840.000 người tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.
Trong khi đó, một số tổ chức như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân.
Cụ thể, đơn vị này hiện đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang.
Trong đó Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam có quy mô 4,04 ha, với 976 căn hộ, hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với số lượng khoảng hơn 300 căn hộ. Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho – Cụm công nghiệp Trung An tỉnh Tiền Giang có quy mô 3,05 ha, với 998 căn hộ, hiện đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai trên thực tế.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định: “Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở”.
Về ưu đãi chủ đầu tư, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định theo hướng chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và có quyền và nghĩa vụ như tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế và được hưởng lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội.
Chủ đầu tư còn được dành một phần quỹ đất trong phạm vi dự án hoặc một phần diện tích sàn thuộc phần khối đế công trình theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại. Chủ đầu tư được hạch toán riêng và hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thương mại này.
Theo dõi Mua Bán Đất Vũng Tàu để nhận thêm nhiều tin tức mới nhất về Bất động sản !