Dưới tác động tích cực từ chính sách, thị trường bất động sản gần đây đã giao dịch trở lại. Dù chưa thể sôi động ngay, nhưng điều này cho thấy dấu hiệu vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu đề xuất kiến nghị đối với Tổ công tác Thủ tướng về rà soát, tháo gỡ khó khăn của các dự án bất động sản. Cụ thể, trong danh mục 36 dự án nhà ở theo các công văn do Tổ công tác gửi UBND TP yêu cầu rà soát, báo cáo, đến nay, UBND TP đã chủ trì, tổ chức họp với các sở, ngành có liên quan để làm rõ các nội dung vướng mắc và chỉ đạo giải quyết 16 dự án.
Còn lại 20 dự án, UBND TP đã giao các sở, ngành tiếp tục rà soát pháp lý để tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp một. Các nguyên nhân vướng mắc tại các dự án còn lại như: thủ tục điều chỉnh quy hoạch xây dựng; xác định giá trị quyền sử dụng đất và gia hạn tiến độ thực hiện dự án; rà soát lại pháp lý dự án…
Trước động thái tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng bắt đầu quay lại với thị trường. Ghi nhận thực tế hiện nay, nhiều dự án đã quay trở lại thị trường, các giao dịch xuất hiện ở cả phân khúc như đất nền, nhà phố, căn hộ.
Theo ông Trần Hiếu – Phó tổng Giám đốc tiếp thị và kinh doanh Tập đoàn DKRA, qua ghi nhận công tác bán hàng trong tháng qua tại một số dự án trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy lượng giao dịch đã có chuyển biến tốt.
Cụ thể, dự án The Classia Khang Điền (TP Thủ Đức) mỗi tuần bán 8 căn, với tổng doanh thu ước tính 200 tỉ đồng. Dự án De La Sol (Quận 4) của CapitaLand mỗi ngày giao dịch trung bình 3-4 căn, với giá trị bình quân 7 tỉ đồng/căn. Dự án The Maq (Quận 1) của Hongkong Land theo ghi nhận tuần qua bán 7 căn, với giá trị giao dịch 20-25 tỉ đồng/căn. Hay mới đây, Keppel Land tung ra 100 căn Celesta (huyện Nhà Bè) chỉ trong 1 ngày đã giao dịch hơn 70% rổ hàng. Bởi lẽ, chính sách thanh toán của dự án này kéo dài, mỗi tháng khoảng 1% giá trị căn hộ.
Một điều cũng phải kể đến, trong bối cảnh thị trường hiện nay, không phải cứ giảm giá sâu là có người mua. Không ít chủ đầu tư ra chính sách khuyến mãi đến 40-50% giá trị sản phẩm cho khách hàng thanh toán một lần, cùng loạt ưu đãi khác, nhưng vẫn khó bán hàng.
Theo báo cáo từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giao dịch bất động sản các tháng gần đây vẫn chậm, lý do bởi nhiều người chưa thấy được việc đi vay để mua nhà lúc này là phù hợp với ngân sách gia đình, bao gồm cả những người có nhu cầu ở thực.
Mặc dù lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất vay vẫn ở mức cao do cần độ trễ. Bên cạnh đó, các khoản vay mua nhà thường là vay dài hạn, nên các ngân hàng sẽ phải cân nhắc mức độ rủi ro mới tính tới việc giảm mạnh lãi vay.
Bàn về giải pháp để dòng tiền quay trở lại thị trường bất động sản, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cần giúp người mua tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp. Theo phân tích của TS Nguyễn Duy Phương – Giám đốc đầu tư của DGCapital, thị trường hiện nay vẫn bị tâm lý thận trọng từ phía người mua đè nặng, mặc dù nhu cầu còn lớn.
Gần như các chính sách bán hàng hiện nay phải đi kèm với thương hiệu của chủ đầu tư thì mới được người mua quan tâm. Các dự án nhà ở hình thành trong tương lai có phương án thu tiền nhiều trong một lần, chiết khấu cao, càng làm khách hàng nghi ngờ.
Bên cạnh đó, hầu hết lo ngại của người mua nhà là lãi suất vay mua nhà còn đang cao, nếu mua thì phải gánh một khoản tài chính lớn trong khi tình hình kinh tế bấp bênh, suy thoái mà thời điểm bất động sản phục hồi lại chưa thấy rõ. Vậy nên, dù chiết khấu mạnh cũng không hút được khách hàng.
Theo dõi Mua Bán Đất Vũng Tàu để nhận thêm nhiều tin tức mới nhất về Bất động sản !