Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ sẽ mạnh dạn cho các địa phương trong Vùng Tây Nguyên thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Sáng 20/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Phát triển xanh – Hài hòa – Bền vững”.

Đánh thức tiềm năng vùng Tây Nguyên

Đánh giá cao các giải pháp trong Chương trình hành động của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương Tây Nguyên đồng thời nêu nhiều kiến nghị về phát triển vùng.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum mong muốn các bộ, ngành quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp chế biến lớn, có uy tín đến Tây Nguyên tìm hiểu vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu.

“Tỉnh Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết vùng chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Duy nhất chỉ có tuyến cao tốc nội vùng Liên Khương – Prenn khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19 km.

Theo ông Tuấn, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên khoảng 156.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương…) với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng.

Ông Tuấn khẳng định hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc trong vùng Tây Nguyên sẽ được đẩy mạnh đầu tư, đánh thức vùng đất đai trù phú này trở thành một vùng kinh tế phát triển.

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jefffries cho biết ADB đã cam kết hỗ trợ 8 dự án tại Tây Nguyên giai đoạn 2023-2026.
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jefffries cho biết ADB đã cam kết hỗ trợ 8 dự án tại Tây Nguyên giai đoạn 2023-2026.

Nhất trí cho rằng yếu tố quan trọng cho phát triển Tây Nguyên là kết cấu hạ tầng, ông Andrew Jefffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết ADB đã cam kết hỗ trợ 8 dự án tại Tây Nguyên giai đoạn 2023-2026.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cũng khẳng định cam kết sẵn sàng hỗ trợ thực hiện các quy định về kinh tế xanh tại Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng mà Nghị quyết 23 đưa ra.

Phát triển để ổn định

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Nhưng, theo Thủ tướng, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng do 4 nguyên nhân chính. Đó là kết cấu hạ tầng còn bất cập; nguồn lực còn thiếu; kết nối vùng còn chưa tốt; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Nhắc lại câu chuyện cách đây 20 năm xảy ra vụ việc bất ổn tình hình, Thủ tướng cho biết khi đó, chúng ta phải ổn định tình hình chính trị trên cơ sở đó phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên. Hiện nay, tình hình thay đổi, chúng ta chuyển trạng thái, phát triển kinh tế-xã hội để ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội Tây Nguyên.

“Làm tốt kinh tế – xã hội thì góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội và ngược lại, tình hình ổn định tốt thì mới yên tâm phát triển kinh tế – xã hội. Đây là 2 mặt song song của quá trình nhưng tùy tình hình mà thay đổi thứ tự ưu tiên”, Thủ tướng nói.

Một quan điểm chỉ đạo nữa, theo Thủ tướng, là phải có cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu; phát triển đột phá nhưng phải bao trùm, toàn diện, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Mạnh dạn cho các địa phương thí điểm chính sách đặc thù

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù.

“Chính phủ sẽ mạnh dạn cho địa phương thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ”, Thủ tướng nói và cho rằng các địa phương Tây Nguyên phải chủ động đề xuất.

Bên cạnh đó, phải phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Thủ tướng cho rằng giao thông phải kết nối, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, hành lang kinh tế Bắc – Nam, dựa vào các trục giao thông chính: Đường sắt, đường bộ, cao tốc Bắc – Nam.

Thủ tướng lưu ý cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng. Thủ tướng lấy ví dụ, tài nguyên bauxite có nhiều nhưng cần chú ý phát triển xanh, công nghệ cao.

Song song với đó, cần phát triển công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, sạch; phát triển văn hoá gắn với du lịch; huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, gồm đầu tư công, nguồn vốn xã hội, hợp tác công tư. Đặc biệt, cần xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, ổn định.

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh xúc tiến đầu tư phải xuất phát từ quy hoạch, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp, đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành với Chính phủ, các địa phương; khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên.

“Các nhà đầu tư đã nói phải làm, đã cam kết, đã hứa thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, cân bằng lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch; thúc đẩy đầu tư công, cứ 10 ngày phải kiểm tra tiến độ các dự án, dứt khoát ai không làm được thì thay thế, không điều chuyển nguồn sang năm 2023, dành vốn cho các dự án giải ngân tốt.

Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, phân loại trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp nào làm tốt, làm đúng thì cần công khai, minh bạch để nhà đầu tư yên tâm; doanh nghiệp nào khó khăn thì có cách hỗ trợ để tiếp tục phát triển, “anh nào làm sai thì phải xử lý để bảo vệ người làm tốt, làm lành mạnh môi trường đầu tư”.

Nguồn: Zingnews